Tìm kiếm

Chủ Nhật, 7 tháng 4, 2013

Vai trò của pháp chế xã hội chủ nghĩa trong tổ chức và hoạt động của Hải quan Việt Nam

Vai trò của pháp chế xã hội chủ nghĩa trong tổ chức và hoạt động của Hải quan Việt Nam


Điều 12 Hiến pháp nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam 1992 (sửa đổi, bổ sung năm 2001) khẳng định: "Nhà nước quản lý xã hội bằng pháp luật, không ngừng tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa (pháp chế XHCN).

Các cơ quan nhà nước, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội, đơn vị vũ trang nhân dân và mọi công dân phải nghiêm chỉnh chấp hành Hiến pháp, pháp luật, đấu tranh phòng ngừa và chống các tội phạm, các vi phạm Hiến pháp, pháp luật.

Mọi hành động xâm phạm lợi ích nhà nước quyền và lợi ích hợp pháp của tập thể và của công dân đều bị xử lý theo pháp luật".

Để hiện thực hoá điều này của Hiến pháp trong thực tiễn, ngày nay giới khoa học pháp lý Việt Nam không chỉ tiếp tục nghiên cứu khẳng định những giá trị của Học thuyết Pháp chế XHCN, mà còn hướng đi sâu nghiên cứu pháp chế trong từng lĩnh vực cụ thể. Đến nay, đã có một số công trình khoa học đã được công bố như: Pháp chế XHCN trong quản lý nhà nước đối với nền kinh tế thị trường, pháp chế XHCN trong hoạt động lập pháp lập quy, pháp chế trong giao thông đường bộ... Song chưa có công trình nào nghiên cứu về pháp chế và vai trò của nó trong tổ chức và hoạt động của Hải quan Việt Nam.

Kể từ năm 1990 đến nay, hệ thống pháp luật về tổ chức và hoạt động của Hải quan Việt Nam không ngừng được xây dựng, hoàn thiện. Từ Pháp lệnh Hải quan 1990, Luật Hải quan 2001 đến Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật hải quan ngày 26/5/2005 là một bước tiến to lớn về phương diện lập pháp đối với lĩnh vực hải quan. Trên cơ sở các văn bản pháp luật này, tổ chức và hoạt động của Hải quan Việt Nam ngày càng đáp ứng yêu cầu của công cuộc đổi mới, góp phần thúc đẩy hội nhập nền kinh tế và đảm bảo an ninh chính trị, kinh tế, trật tự an toàn xã hội, đảm bảo nguồn thu ngân khố quốc gia; đồng thời, góp phần củng cố, tăng cường pháp chế XHCN trong tổ chức và hoạt động của Hải quan Việt Nam hiện nay.

Thực tiễn cho thấy, thời gian qua, vai trò của pháp chế XHCN trong tổ chức và hoạt động của Hải quan Việt Nam không ngừng được tăng cường nhằm bảo đảm cho pháp luật hải quan đi vào đời sống kinh tế - xã hội và được tuân thủ nghiêm chỉnh. Hàng loạt vụ buôn lậu, gian lận thương mại, trốn thuế xuất nhập khẩu được phát hiện và xử lý kịp thời; góp phần quan trọng cho việc thu ngân sách nhà nước và giữ gìn an ninh kinh tế, chính trị, trật tự an toàn xã hội.

Tuy nhiên, pháp chế XHCN trong tổ chức và hoạt động của Hải quan còn nhiều tồn tại không ít những yếu kém, khiếm khuyết, như:

- Hệ thống pháp luật về tổ chức và hoạt động của Hải quan Việt Nam vẫn còn có nhiều bất cập, thiếu tính ổn định, thiếu tính khả thi, chưa phù hợp, đáp ứng kịp thực tiễn đổi mới, mở cửa, hội nhập kinh tế quốc tế, chưa phù hợp với các điều ước quốc tế mà Việt Nam ký kết hoặc gia nhập. Công tác rà soát, kiểm tra việc xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật về tổ chức và hoạt động hải quan vẫn còn thiếu chủ động, chưa trở thành yếu tố góp phần tích cực vào việc hoàn thiện, đổi mới cơ cấu tổ chức, hoạt động hải quan.

- Sự tuân thủ pháp luật và chấp hành pháp luật hải quan của một bộ phận cán bộ, công chức hải quan và tổ chức, cá nhân hoạt động xuất nhập khẩu vẫn còn không nghiêm dẫn đến phát sinh tiêu cực, phiền hà, tham nhũng, gian lận thương mại, buôn lậu, trốn thuế, lừa đảo rút "ruột" ngân sách nhà nước... điều này tác động không nhỏ đến đời sống kinh tế - xã hội, kinh tế đối ngoại, đầu tư, du lịch, gây mất lòng tin của Đảng, Nhà nước, nhân dân đối với hệ thống tổ chức và hoạt động của Hải quan Việt Nam.

- Cơ chế đảm bảo cho việc tuân thủ và chấp hành nghiêm minh pháp luật, pháp chế hải quan còn thiếu rõ ràng, minh bạch, chưa hiệu quả, cũng như chưa đủ tính cưỡng chế đảm bảo duy trì việc tuân thủ và thực hiện pháp luật một cách thường xuyên, liên tục và đồng bộ...

Vì các lý do trên tôi chọn đề tài: "Vai trò của pháp chế xã hội chủ nghĩa trong tổ chức và hoạt động của Hải quan Việt Nam" để nghiên cứu và viết luận văn thạc sĩ Luật học.